Cách làm gia hạn văn bản nộp thuế GTGT
1. Cơ sở pháp lý :
Thông tư 156/2013/TT-BTC
Thông tư số 26/2015/TT-BTC
Thông tư số 151/2014/TT-BTC.
2. Chuyên viên tư vấn :
1.Các trường hợp được gia hạn thuế GTGT :
Căn cứ vào Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC và Khoản 5, Điều 2, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm a, Điểm d, Khoản 1, Điều 31 Thông tư số 151/2014/TT-BTC.
Thứ nhất, Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hoá, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền.
Tai nạn bất ngờ là việc không may xảy ra đột ngột ngoài ý muốn của người nộp thuế, do tác nhân bên ngoài gây ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không phải do nguyên nhân từ hành vi vi phạm pháp luật. Những trường hợp được coi là tai nạn bất ngờ bao gồm: tai nạn giao thông; tai nạn lao động; mắc bệnh hiểm nghèo; bị dịch bệnh truyền nhiễm vào thời gian và tại những vùng mà cơ quan có thẩm quyền đã công bố có dịch bệnh truyền nhiễm; các trường hợp bất khả kháng khác. Danh mục về bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật
Thứ hai, Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác. Khó khăn đặc biệt khác bao gồm: ngành nghề kinh doanh chính mà người nộp thuế đang hoạt động bị cấm hoặc bị ngừng, tạm thời ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không bao gồm trường hợp bị cấm hoặc ngừng, tạm thời ngừng kinh doanh do vi phạm pháp luật); đối tác hủy hoặc không thanh toán đúng hạn theo hợp đồng đã ký kết làm kết quả sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế bị lỗ do đối tác thuộc một trong các trường hợp sau: Phá sản; Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp hoặc chủ hộ kinh doanh bị đột tử; Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp hoặc chủ hộ kinh doanh bị mất tích
2. Phạm vi số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt được gia hạn nộp và thời gian gia hạn nộp thuế
a) Người nộp thuế nêu tại điểm a khoản 1 Điều này được gia hạn số tiền thuế nợ tính đến thời điểm xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ nhưng tối đa không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại. Giá trị vật chất bị thiệt hại bằng tổng giá trị tổn thất về tài sản trừ phần được bồi thường do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của pháp luật.
Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 02 (hai) năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Cụ thể như sau:
Nếu người nộp thuế bị thiệt hại vật chất từ 50% trở xuống so với tổng tài sản ghi trên sổ sách kế toán quý liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại thì được xử lý gia hạn nộp số tiền thuế còn nợ tối đa không quá 01 (một) năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Nếu người nộp thuế bị thiệt hại vật chất trên 50% so với tổng tài sản ghi trên sổ sách kế toán quý liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại thì được xử lý gia hạn nộp số tiền thuế còn nợ tối đa không quá hai (02) năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
b) Người nộp thuế nêu tại điểm b khoản 1 Điều này được gia hạn số tiền thuế nợ tính đến thời điểm người nộp thuế bắt đầu ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng tối đa không vượt quá chi phí thực hiện di dời và thiệt hại do phải di dời gây ra. Chi phí di dời không bao gồm chi phí xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 01 (một) năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không thực hiện di dời thì phải tính tiền chậm nộp trên số tiền thuế được gia hạn.
Trong thời gian đang được gia hạn mà ngân sách nhà nước thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nợ thì người nộp thuế có trách nhiệm nộp số tiền thuế vào ngân sách nhà nước ngay sau ngày được thanh toán, cụ thể như sau:
Nếu vốn đầu tư được thanh toán bằng hoặc lớn hơn số tiền thuế được gia hạn thì người nộp thuế có trách nhiệm nộp ngay số tiền thuế đang được gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Nếu vốn đầu tư được thanh toán nhỏ hơn số tiền thuế được gia hạn thì người nộp thuế có trách nhiệm nộp ngay số tiền thuế bằng số vốn được thanh toán. Người nộp thuế có thể lựa chọn nộp toàn bộ hoặc một phần số tiền thuế của một loại thuế nào đó trong các khoản thuế được gia hạn.
Số tiền thuế đã được gia hạn còn lại và chưa được ngân sách nhà nước thanh toán thì tiếp tục được gia hạn cho đến hết thời hạn gia hạn hoặc đến thời điểm được ngân sách nhà nước thanh toán trong thời gian gia hạn.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người nộp thuế không nộp tiền thuế được gia hạn khi được ngân sách nhà nước thanh toán thì phải tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế được gia hạn kể từ ngày kế tiếp ngày được thanh toán theo quy định tại Điều 34 Thông tư này.
c) Người nộp thuế nêu tại điểm d khoản 1 Điều này được gia hạn số tiền thuế còn nợ tính đến thời điểm đề nghị gia hạn do gặp khó khăn đặc biệt. Số tiền thuế được gia hạn tối đa không quá giá trị thiệt hại do nguyên nhân khó khăn đặc biệt đó gây ra. Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 01 (một) năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
3. Thủ tục, hồ sơ gia hạn nộp thuế
Để được gia hạn nộp thuế theo quy định tại Điều này, người nộp thuế phải lập và gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Hồ sơ bao gồm:
a) Đối với trường hợp nêu tại điểm a khoản 1 Điều này:
- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo Thông tư này;
- Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;
- Văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của một trong các cơ quan, tổ chức sau: cơ quan công an; UBND cấp xã, phường; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc tổ chức cứu hộ, cứu nạn;
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có). Đối với người nộp thuế là pháp nhân thì các tài liệu nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, đóng dấu của đơn vị.
b) Đối với trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này:
- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo Thông tư này;
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với người nộp thuế;
- Đề án di dời, kế hoạch và tiến độ thực hiện di dời của người nộp thuế;
- Tài liệu chứng minh người nộp thuế ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó xác định rõ thời điểm bắt đầu ngừng sản xuất kinh doanh, chi phí di dời, thiệt hại do di dời, ngừng sản xuất kinh doanh gây ra (nếu có).
c ) Đối với trường hợp nêu tại điểm d khoản 1 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC:
- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC;
- Văn bản của cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi cơ quan thuế cấp trên, trong đó: xác nhận khó khăn đặc biệt và những nguyên nhân gây ra khó khăn đó mà người nộp thuế không có khả năng nộp đúng hạn số tiền thuế nợ theo đề nghị, giải trình của người nộp thuế tại văn bản đề nghị gia hạn;
- Bản sao các văn bản về gia hạn, xoá nợ, miễn thuế, giảm thuế đối với người nộp thuế của cơ quan thuế ban hành trong thời gian 02 (hai) năm trước đó (nếu có);
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người nộp thuế khi thực hiện quyết định (nếu có)
4. Thời hạn giải quyết
Trường hợp hồ sơ gia hạn nộp thuế chưa đầy đủ theo quy định hoặc phát hiện có dấu hiệu sai phạm về giá trị thiệt hại vật chất trong hồ sơ do người nộp thuế tự xác định, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản theo mẫu số 03/GHAN cho người nộp thuế đề nghị giải trình hoặc bổ sung hồ sơ. Nếu người nộp thuế không hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thuế thì không được xử lý gia hạn nộp thuế.
Trường hợp hồ sơ gia hạn nộp thuế đầy đủ, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế quản lý trực tiếp có văn bản gửi người nộp thuế:
Văn bản không chấp thuận gia hạn nộp thuế nếu người nộp thuế không đủ điều kiện được gia hạn theo mẫu số 04/GHAN ban hành kèm theo Thông tư này.
Quyết định gia hạn nộp thuế nếu người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo mẫu số 02/GHAN ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với trường hợp đề nghị gia hạn nộp thuế quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, sau khi tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện theo qui định tại điểm a và điểm b khoản này. Nếu người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn và hồ sơ đầy đủ thì lập văn bản đề nghị gia hạn và gửi lên cơ quan thuế cấp trên (kèm theo hồ sơ) để trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cơ quan thuế chưa thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với khoản nợ đề nghị gia hạn nếu người nộp thuế nộp đầy đủ hồ sơ; thời gian chưa thực hiện cưỡng chế kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế đến ngày ban hành văn bản không chấp thuận gia hạn.
Podcast tình huống kế toán mới nhất