Ngày đăng tin : 02/07/2020
Chia sẻ thông tin hữu ích
Người học tài chính, kế toán có thể tìm việc trong và ngoài nước, lương cao cho ứng viên giỏi chuyên môn, nhiều cơ hội ứng tuyển tập đoàn đa quốc gia.
Thông tin được các khách mời chia sẻ trong buổi tọa đàm "Hướng nghiệp ngành tài chính, kế toán" phát trực tiếp trên fanpage VnExpress vào tối ngày 14/5. Chương trình có sự tham gia của bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Giám đốc khu vực Mekong của Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA); bà Nguyễn Thị Mai Anh - Giám đốc bộ phận Tư vấn thuế - Công ty KPMG Việt Nam; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng - Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Kế toán, Đại học Kinh tế TP HCM; bà Đinh Kim Nhung - Trưởng bộ phận Nguồn nhân lực - Tập đoàn Masan.
Ngành tài chính, kế toán không lo thiếu việc làm
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng, Phó trưởng khoa, Phụ trách Kế toán, Đại học Kinh tế TP HCM, trước khi có cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường nguồn nhân lực ngành tài chính, kế toán được mô tả như cái phễu úp ngược với phần dưới rộng và thu hẹp ở phần trên. Điển hình cho phần dưới là nguồn nhân lực ở cấp thấp, còn ở phần trên nhu cầu nguồn nhân lực quản trị tài chính cao cấp.
Phó giáo sư Xuân Hưng chia sẻ thêm, thời cách mạng 4.0, thị trường nguồn nhân lực có sự thay đổi, lao động ở cấp độ thấp dần thu hẹp do sự phát triển của khoa học, tự động hóa dần thay thế con người. Nhân viên tài chính, kế toán không đơn thuần chỉ ghi chép sổ sách mà phải sử dụng kiến thức chuyên môn phân tích thông tin, đưa ra những "con số biết nói", giúp người sử dụng thông tin có quyết định phù hợp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Các khách mời tham gia chia sẻ trong chương trình, từ trái qua phải gồm: bà Nguyễn Thị Mai Anh - Giám đốc bộ phận Tư vấn thuế - Công ty KPMG Việt Nam; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng - Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Kế toán, Đại học Kinh tế TP HCM; bà Đinh Kim Nhung - Trưởng bộ phận Nguồn nhân lực - Tập đoàn Masan; bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Giám đốc khu vực Mekong của Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA).
Bà Nguyễn Thụy Minh Châu, Giám đốc khu vực Mekong của Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) cho biết, theo báo cáo gần đây nhất của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM, một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cần lực lượng cao cấp về tài chính, kế toán.
Lý do vì Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về chỉ số phát triển kinh tế trong khu vực ASEAN. Nước ta cũng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, con số gần đây nhất khoảng 40 tỷ USD một năm, tăng khoảng 50% so với năm 2016. Quy mô ngành tài chính, kế toán đang rất nhỏ so với tỷ lệ về dân số và nhu cầu ngành tài chính, kế toán đang rất cao. Năm 2020-2030, tốc độ tăng trưởng của ngành nghề này là 20%, riêng ở TP HCM nhu cầu tăng lên 5%, tương đương 15.000 lao động.
Bộ Tài chính vừa thông qua văn bản áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho các công ty bắt đầu vào năm 2022 một cách tự nguyện và sau năm 2025 sẽ bắt buộc cho công ty niêm yết. Nhiều công ty gia nhập tạo nên thị trường việc làm sôi động, mở ra cơ hội thăng tiến tương ứng cho nhân sự trong ngành nếu có đủ kỹ năng, kiến thức.
"Tài chính - kế toán là một trong tám ngành được tự do dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN. Đây là 'cơ hội vàng' cho sinh viên có kế hoạch học tập để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại Đông Nam Á", bà Minh Châu nói thêm.
Theo bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Giám đốc khu vực Mekong của Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA), sinh viên theo học ngành tài chính có cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Giám đốc bộ phận Tư vấn thuế - Công ty KPMG Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Anh nhận định thêm, với thế giới phẳng hiện nay, nhân sự tài chính, kế toán ở Việt Nam không chỉ làm việc cho công ty tại Việt Nam mà các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tạo nên những trung tâm hoạt động, kết nối trong ngành tại khu vực Đông Nam Á.
Do đó, người lao động đang sống tại Việt Nam có thể làm việc cho nhiều nước trên cho thế giới. Việc xác định nhu cầu của ngành, cung - cầu của một quốc gia dường như bị xóa nhòa. Nếu Việt Nam có thể cung cấp nguồn nhân lực về tài chính, kế toán tốt, điều đó đồng nghĩa là chúng ta có thể lấy được "miếng bánh" thị phần nhiều hơn.
Là một trong những công ty đa quốc gia, KPMG Việt Nam hàng năm tuyển dụng nhiều nhân sự tài chính, kế toán. Với các bạn sinh viên mới ra trường, công ty có chương trình cử nhân, thực tập sinh. Mỗi chương trình tuyển khoảng 100-200 cho ba miền Bắc - Trung - Nam. KPMG Việt Nam có nhiều hoạt động kinh doanh, mở rộng dịch vụ mới và không giới hạn số lượng tuyển dụng ứng viên đã có hoặc chưa có kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu công việc.
"Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động có nhiều cơ hội làm việc tại môi trường quốc tế", bà Nguyễn Thị Mai Anh - Giám đốc bộ phận Tư vấn thuế - Công ty KPMG Việt Nam nhận định.
Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp ngành tài chính kế, toán tại Tập đoàn Masan, bà Đinh Kim Nhung, Trưởng bộ phận Nguồn nhân lực cho biết, hàng năm công ty đều có chương trình "Doanh nhân trẻ Masan" tìm kiếm các nhân tài trẻ. Với chương trình này, công ty không có giới hạn tuyển bao nhiêu nhân sự trong năm, bất cứ ứng tuyển viên nào đạt yêu cầu đều có thể được tuyển dụng. Tuy nhiên, chưa có năm nào, Masan tuyển được trên 20 nhân sự đạt yêu cầu trong số 5.000 - 7.000 hồ sơ. Ngoài ra, công ty vẫn luôn tìm kiếm các nhân tài ở cấp trung và cấp cao.
Tiêu chí tuyển dụng trong ngành tài chính, kế toán
Dưới góc độ nhà tuyển dụng, theo bà Mai Anh, những tiêu chí quan trọng nhất mà doanh nghiệp thường lấy làm "thước đo" tuyển dụng là tư duy cầu tiến, khả năng ham học hỏi của ứng viên. Sự tận tâm trong công việc cũng cần thiết bởi dù nhân sự giỏi kỹ năng và kiến thức chuyên môn đến đâu nhưng lại không tâm huyết trong công việc thì cũng sẽ không thành công.
Nhiều năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng nhân viên cho Tập đoàn Masan, bà Kim Nhung chia sẻ thêm, có bốn yêu cầu tuyển dụng nhân sự gồm kiến thức chuyên môn trong ngành; trải nghiệm thực tế; kỹ năng tối đa hóa năng lực của bản thân (khả năng học hỏi, cầu tiến, tìm hiểu thông tin...); làm việc nhóm (trao đổi, tiếp nhận, phối hợp và chia sẻ thông tin trong nhóm...).
Theo bà Đinh Kim Nhung - Trưởng bộ phận Nguồn nhân lực - Tập đoàn Masan, tuyển dụng nhân sự ngành tài chính, kế toán tại Masan như "đãi cát tìm vàng", nhu cầu lúc nào cũng có nhưng lại khó tìm được nhiều ứng viên đáp ứng tiêu chí.
Về góc độ đào tạo, khi xây dựng chương trình, Đại học Kinh tế TP HCM đều gắn kết bốn yếu tố này với nhau. Các em được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng thông qua giờ lên lớp, bài tập tình huống của giáo viên. Trường có trung tâm hỗ trợ giúp sinh viên nâng cao kỹ năng cần thiết. Bên cạnh hoạt động của nhà trường, nhiều sinh viên còn chủ động xây dựng kế hoạch cho bản thân; trang bị chứng chỉ nghề nghiệp, ví dụ như chứng chỉ của Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA).
"Khi tốt nghiệp ngành tài chính - kế toán, sinh viên có kiến thức học thuật nhưng cũng cần thêm trải nghiệm, trau dồi khả năng xử lý tình huống, giải quyết công việc thực tế... Các tổ chức nghề nghiệp hỗ trợ trang bị thêm cho sinh viên những yếu tố này. Do đó, khi ứng tuyển vào tập đoàn đa quốc gia, công ty kiểm toán lớn như Big4, các em tự tin đáp ứng yêu cầu công việc. Sự công nhận của tổ chức nghề nghiệp quốc tế có thể mở ra cho cơ hội thăng tiến trong công việc", Phó giáo sư Xuân Hưng nói.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng - Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Kế toán, Đại học Kinh tế TP HCM, sinh viên cần có kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tế để cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Theo bà Minh Châu, ngoài kiến thức, kỹ năng, yếu tố khá quan trọng là người lao động có khả năng tiếp cận kiến thức mới, nâng cao năng lực của bản thân. Đó là lý do nhiều công ty như KPMG, Big4 có chương trình đào tạo cho nhân viên sau khi làm việc một thời gian làm việc để lấy bằng cấp của ACCA.
Bà Minh Châu chia sẻ thêm, bằng cấp của ACCA dựa trên chuẩn của Ủy ban đào tạo quốc tế, tiêu chuẩn ngành kế toán, kiểm toán AAS, được công nhận tại Anh, châu Âu và các nước trên thế giới. ACCA có khoảng 7.300 đối tác trên toàn thế giới, trên 50 doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam gồm công ty ngân hàng, công ty kế toán, kiểm toán, tư vấn và nổi trội trong số đó là Big4, KPMG. Khi nhận văn bằng ACCA tại Việt Nam, các bạn được đặc cách thi bài thi chuyển đổi (60 câu) để có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam.
ACCA là một trong những hiệp hội quốc tế tại Việt Nam đầu tiên có liên kết cùng Bộ Tài chính tổ chức hai kỳ thi luật và thuế. Về liên kết học thuật, ACCA có biên bản ghi nhớ toàn cầu với các trường đại học danh tiếng như Đại học Oxford Brookes. Khi học viên hoàn tất các môn học cơ bản của chương trình ACCA có thể thi chuyển đổi để lấy bằng cử nhân kế toán ứng dụng của Đại học Oxford Brookes. Hoàn thành những môn chuyên sâu, bạn có thể học tiếp ba học phần (modules) để lấy bằng thạc sĩ của Đại học London.
ACCA có chương trình học online để học viên tiết kiệm thời gian và học phí. Học viên có thể tốt nghiệp chương trình ACCA trong khoảng 2-3 năm. Ngay từ khi tốt nghiệp THPT, các bạn đã có thể theo học chương trình này.
Các diễn giả trao đổi về việc đào tạo, tuyển dụng nhân sự trong ngành.
Theo bà Mai Anh, nhà tuyển dụng đánh giá cao những ứng cử viên có chứng chỉ nghề nghiệp của ACCA. Ứng cử viên ứng tuyển vào công ty đang theo học tại ACCA hoặc hoàn tất chương trình có kiến thức chuyên môn vững chắc, trình độ tiếng Anh chuyên ngành khá tốt. Trong khi học đại học, sinh viên còn theo học chương trình ACCA - điều này cũng cho thấy các bạn ham học hỏi và có tư duy cầu tiến. Với chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, không chỉ học xong là hoàn tất mà các tổ chức nghề nghiệp liên tục cập nhật xu hướng, kiến thức mới và người theo học phải hoàn thành một số giờ học nhất định để có thể duy trì được bằng cấp đã nhận trước đó.
Link gốc theo :https://vnexpress.net/tuong-lai-rong-mo-cho-nganh-tai-chinh-ke-toan-thoi-4-0-4099682.html
Podcast tình huống kế toán mới nhất
Để tuyển dụng hoặc tìm việc hiệu quả . Vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN hoặc ĐĂNG KÝ TƯ VẤN để được hỗ trợ ngay !