Ngày đăng tin : 24/07/2021
Chia sẻ thông tin hữu ích
Hôm nay. Sàn kế toán xin tổng hợp Các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN 2021 theo cơ sở pháp lý mới nhất hiện nay như sau:
Thông tư hiện nay đang áp dụng để xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN 2021, bao gồm:
* Thông tư gốc: Thông tư 78/2014/TT-BTC, ngày 18 tháng 06 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 02 tháng 08 năm 2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2014 trở đi.
* Các thông tư sửa đổi, bổ sung cho thông tư gốc (Thông tư 78/2014/TT-BTC) bao gồm:
a) Thông tư 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 08 năm 2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015 trở đi:
b) Thông tư 25/2018/TT-BTC, ngày 16/03/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.
⇒ Căn cứ theo điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 và điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/03/2018 của Bộ Tài chính ⇒ Các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN 2021, bao gồm các khoản chi phí sau:
Các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN 2021
I. CÁC KHOẢN CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ KHI TÍNH THUẾ TNDN NĂM 2021:
Các khoản chi phí được trừ khi tính thuế TNDN phải đáp ứng đủ các điều kiện sau và đồng thời là những khoản chi không nằm trong danh mục các khoản chi không được trừ (được trình bày ở phần II)
– Điều kiện 1: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Điều kiện 2: Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Điều kiện 3: Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo khoản 1 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
► Từ các điều kiện trên ⇒ Nguyên tắc xác định các khoản chi phí được trừ khi tính thuế TNDN như sau:
– Phải thực sự phát sinh và liên quan trực tiếp đến doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế (Có một số khoản không liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được tính vào chi phí được trừ nhưng các khoản chi này phải đầy đủ hóa đơn chứng từ và đúng mức quy định – mời các bạn xem hướng dẫn cụ thể phần dưới).
– Phải có chứng từ hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật (hóa đơn của Bộ tài chính hoặc hóa đơn tự in, chứng từ đánh máy hoặc viết tay được phép).
– Phải tương ứng với doanh thu tính thuế.
– Phải có mức chi hợp lý (căn định mức, quy định, mức chi thực tế chung).
►Căn cứ vào các quy định trên ⇒ Xác định chi phí được trừ đối với các chi phí cụ thể sau:
1.1. CHI PHÍ KHẤU HAO TSCĐ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
Thực hiện theo thông tư số 45/2013/TT-BTC, ngày 25 tháng 4 năm 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/06/2013 sửa đổi, bổ sung theo thông tư số 147/2016 /TT-BTC, ngày 13 tháng 10 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 11 năm 2016 và thông tư 28/2017/TT-BTC, ngày 12 tháng 4 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 05 năm 2017. Chi phí khấu hao TSCĐ được trừ khi tính thuế TNDN thỏa mãn các điều kiện sau:
Điều kiện 1: TSCĐ sử dụng vào sản xuất kinh doanh (Ngoại trừ các TSCĐ ở mục Ghi chú dưới)
Điều kiện 2: TSCĐ có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh TSCĐ thuộc sở hữu của doanh nghiệp (Trừ TSCĐ thuê tài chính).
Điều kiện 3: Được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ kế toán hiện hành.
Ghi chú: TSCĐ thuộc Ghi chú 1 và Ghi chú 2 không sử dụng vào sản xuất kinh doanh nhưng chi phí khấu hao vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Ghi chú 1: TSCĐ không phục vụ SXKD nhưng sử dụng phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình nêu trên; bể chứa nước sạch, nhà để xe; xe đưa đón người lao động, nhà ở trực tiếp cho người lao động; chi phí xây dựng cơ sở vật chất, chi phí mua sắm máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Theo tiết a, điểm 2.2, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
Ghi chú 2: Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.
Theo tiết e, điểm 2.2, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
1.2. CHI PHÍ NGUYÊN LIỆU, VẬT LIỆU, NHIÊN LIỆU, NĂNG LƯỢNG, HÀNG HÓA ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa được tính vào chi phí được trừ khi xác định TNDN khi có đủ các điều kiện sau:
Điều kiện 1: Mức tiêu hao vật tư hợp lý:
+ Do Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc chủ doanh nghiệp xây dựng
+ Nếu là vật tư, nguyên liệu, hàng hóa Nhà nước đã ban hành định mức tiêu hao ► thực hiện theo định mức Nhà nước ban hành.
+ Nếu doanh nghiệp không xây dựng mức tiêu hao vật tư hợp lý: Áp dụng dựa vào mức tiêu hao vật tư của doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực và có quy mô tương tự.
Điều kiện 2: Tính theo giá vật tư thực tế xuất kho đúng quy định:
+ Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Giá vật tư thực tế xuất kho không bao gồm thuế GTGT đầu vào của vật tư mua vào.
+ Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc đối với hoạt động SXKD không chịu thuế: Giá vật tư thực tế xuất kho bao gồm cả thuế GTGT đầu vào của vật tư mua vào.
Điều kiện 3: Nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa Bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:
+ Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.
+ Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
⇒ Để được tính vào chi phí được trừ thì Doanh nghiệp phải có đầy đủ hồ hơ theo quy định. Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn được tính vào chi phí được trừ như sau:
– Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập.
Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Lưu ý: Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
Theo điểm 2.1, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
Điều kiện 4: Nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
⇒ Để được tính vào chi phí được trừ thì Doanh nghiệp phải có đầy đủ hồ hơ theo quy định. Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:
– Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.
Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Lưu ý: Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
Theo điểm 2.1, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
1.3. CHI PHÍ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
Chi phí tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, tiền ăn giữa ca; Chi thưởng sáng kiến, chi cho lao động nữ và người dân tộc thiểu số; Chi bảo hộ lao động, chi trang phục làm việc, chi bảo vệ cơ sở kinh doanh, BHXH, BHYT, KPCĐ, hưu trí tự nguyện được tính vào chi phí được trừ:
1.3.1 Tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp theo lương:
+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước: Áp dụng theo chế độ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp theo quy định của Bộ lao động.
+ Đối với các cơ sở kinh doanh khác: Căn cứ vào hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; quy chế tài chính của cơ sở kinh doanh.
1.3.2 Tiền ăn giữa ca:
Do giám đốc doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở kinh doanh quyết định nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu do nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước.
Lưu ý 1: Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người nước ngoài trong đó có ghi khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lưu ý 2: Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lưu ý 3: Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài trong đó nêu rõ doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam chi trả được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
1.3.4. Chi thưởng sáng kiến; Chi cho lao động nữ và người dân tộc thiểu số được tính vào chi phí được trừ:
a) Chi sáng kiến, cải tiến: Được tính vào chi phí được trừ khi cơ sở kinh doanh phải có quy chế cụ thể về chi thưởng sáng kiến, có hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải tiến (Theo điểm 2.8, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC).
b) Các khoản chi thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi chi đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng mức quy định, bao gồm:
– Chi cho công tác đào tạo lại nghề cho lao động nữ trong trường hợp nghề cũ không còn phù hợp phải chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp.
Khoản chi này bao gồm: học phí (nếu có) + chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học).
– Chi phí tiền lương và phụ cấp (nếu có) cho giáo viên dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý.
– Chi phí tổ chức khám sức khoẻ thêm trong năm như khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa cho nữ công nhân viên.
– Chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai.
– Phụ cấp làm thêm giờ cho lao động nữ trong trường hợp vì lý do khách quan người lao động nữ không nghỉ sau khi sinh con, nghỉ cho con bú mà ở lại làm việc cho doanh nghiệp được trả theo chế độ hiện hành; kể cả trường hợp trả lương theo sản phẩm mà lao động nữ vẫn làm việc trong thời gian không nghỉ theo chế độ.
Chi đào tạo lại nghề cho lao động nữ, chi khám sức khỏe, chi bồi dưỡng lao động nữ sau khi sinh con…
Theo tiết a, điểm 2.10, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
c) Các khoản chi thêm cho người dân tộc thiểu số được tính vào chi phí được trừ khi chi đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng mức quy định, bao gồm:
Học phí đi học (nếu có) cộng chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học); tiền hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trong trường hợp chưa được Nhà nước hỗ trợ theo chế độ quy định.
Theo tiết b, điểm 2.10, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
1.3.5. Chi bảo hộ lao động, chi trang phục làm việc, BHXH, BHYT, BHTN-BNN, KPCĐ, Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ:
– Chi bảo hộ lao động: Tính theo thực chi nếu có hóa đơn, chứng từ
– Chi trang phục làm việc:
+ Nếu chi bằng tiền: Tính theo số thực chi nhưng không vượt quá 5.000.000đ/người.
+ Nếu chi bằng hiện vật: Không khống chế nhưng phải có hóa đơn, chứng từ
Theo điểm 2.7, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
– BHXH, BHYT, BHTN-BNN, KPCĐ trích theo đúng tỷ lệ quy đinh: Năm 2021 cụ thể tỷ lệ trích như sau: BHXH 17%; BHTN-BNN 0.5%; BHYT 3% và BHTN 1% (Theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH); KPCĐ 2% lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT
Theo quy định tại Điểm 2.4 Khoản 2 Mục II Hướng dẫn 1784/HD-TLĐ ngày 06/11/2017
– Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ: Được tính vào chi phí được trừ 3 triệu đồng/người/tháng với điều kiện:
+ Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động và không nợ tiền bảo hiểm bắt buộc
+ Doanh nghiệp phải ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng của các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
Theo khoản 3, điều 3 thông tư 25/2018/TT-BTC.
1.3.6. Các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ với số tiền không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp, bao gồm:
Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.
Theo khoản 4, điều 3 thông tư 25/2018/TT-BTC.
Lưu ý: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Theo điểm 2.30, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
1.3.7. Phụ cấp tàu xe nghỉ phép theo quy định tại Bộ luật lao động
(Tìm hiểu tại thông tư 141/2011/TT-BTC, ngày 20 tháng 10 năm 2011 và thông tư 57/2014/TT-BTC , ngày ngày 06 tháng 5 năm 2014).
1.4. CHI PHÍ DỊCH VỤ MUA NGOÀI ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
1.4.1. Chi điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, tiền thuê kiểm toán, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tai nạn con người.
Lưu ý: Nếu chi trả tiền điện, nước mà Hóa đơn điện nước mang tên hộ gia đình, cá nhân cho thuê (không mang tên doanh nghiệp) thì phải có đầy đủ các chứng từ kèm theo như sau:
+ Doanh nghiệp thuê địa điểm kinh doanh thanh toán tiền điện nước trực tiếp cho nhà cung cấp điện nước: Phải có hóa đơn thanh toán điện, nước và hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh thì mới được tính vào chi phí được trừ.
+ Doanh nghiệp thuê địa điểm kinh doanh thanh toán tiền điện nước trực tiếp cho tên hộ gia đình, cá nhân cho thuê: Phải có chứng từ thanh toán tiền điện nước với bên cho thuê phù hợp với số lượng điện nước thực tế tiêu thụ và hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh thì mới được tính vào chi phí được trừ.
1.4.2. Thuê sửa chữa TSCĐ; Trích trước sửa chữa lớn TSCĐ:
– Chi để có các tài sản không thuộc TSCĐ như: Bằng sáng chế, tài liệu kỹ thuật, giấy phép chuyển giao công nghệ, lợi thế kinh doanh…các chi phí này được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh với thời gian phân bổ không quá 3 năm.
– Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, … không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm
– Tiền thuê TSCĐ phân bổ dần theo số năm mà bên đi thuê trả trước.
1.4.3. Công tác phí:
Mời các bạn tìm hiểu mức chi phụ cấp đi công tác: Trong nước tại Thông tư 40/2017/TT-BTC, ngày 28 tháng 4 năm 2017, có hiệu lực 01 tháng 7 năm 2017; Nước ngoài tại Thông tư 102/2012/TT-BTC, ngày 21 tháng 06 năm 2012, có hiệu lực có hiệu lực từ ngày 10/08/2012 ).
1.4.4. Các chi phí dịch vụ mua ngoài khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
1.5. CHI PHÍ LÃI VAY VỐN SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG HÓA, DỊCH VỤ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
– Vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế: Tính theo lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay vốn.
– Vay của các đối tượng khác: Theo lãi suất thực tế khi ký hợp đồng vay vốn nhưng tối đã không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
Lưu ý thêm: Tại thời điểm vay vốn thì Doanh nghiệp phái đã thu hết vốn điều lệ; Tồn quỹ tiền mặt trên sổ quỹ phải hợp lý (không được quá nhiều).
1.6. TRÍCH TRƯỚC CÁC KHOẢN DỰ PHÒNG THEO ĐÚNG QUY ĐỊNH ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
Giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, công trình xây lắp…
1.7. CÁC KHOẢN CHI VỀ TIÊU THỤ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ
1.8. CÁC KHOẢN CHI TIẾP THỊ, QUẢNG CÁO, GIAO DỊCH HỘI NGHỊ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ
1.9. CÁC KHOẢN THUẾ, PHÍ, TIỀN THUÊ ĐẤT PHẢI NỘP ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
– Thuế xuất khẩu
– Thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ bán ra (nếu doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp)
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không đủ điều kiện để khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.
– Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hành hóa, dịch vụ bán ra.
– Thuế môn bài, tiền thuê đất, thuế tài nguyên…
– Phí, lệ phí doanh nghiệp thực nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định.
– Thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu nước ngoài mà theo thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp
– Thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế thu nhập các nhân.
1.10. CHI PHÍ QLKD DO CÔNG TY NƯỚC NGOÀI PHÂN BỔ CHO CƠ SỞ THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ:
Tính theo số thực chi nhưng không vượt quá chi phí phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu của cơ sở thường trú tại Việt Nam và tổng doanh thu chung của công ty ở nước ngoài: Phân bổ theo công thức sau:
Lưu ý: Cơ sở thường trú của công ty nước ngoài tại Việt Nam chưa thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ thì không được tính chi phí QLKD do công ty nước ngoài phân bổ vào chi phí hợp lý.
Theo điểm 2.27, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
1.11. CÁC KHOẢN CHI TÀI TRỢ CHO:
– Giáo dục
– Y tế
– Khắc phục hậu quả thiên tai
– Chi tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà cho người nghèo, làm nhà đại đoàn kết theo quy định của pháp luật
– Chi tài trợ nghiên cứu khoa học; Tài trợ cho các đối tượng chính sách; Tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
⇒ Các khoản chi tài trợ trên được tính vào chi phí được trừ khi đồng thời thỏa mã các điệu kiện sau:
+ Đối tượng tài trợ đúng quy định
+ Có hồ sơ xác định các khoản tài trợ
Các khoản chi trên được hướng dẫn tại: Điểm 2.22, 2.23, 2.24, 2.25, 2.26; khoản 2; điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
1.12. CÁC KHOẢN CHI KHÁC KHÔNG TƯƠNG ỨNG VỚI DOANH THU TÍNH THUẾ NHƯNG ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ, BAO GỒM CÁC KHOẢN CHI SAU:
– Các khoản thực chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc của doanh nghiệp, bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn, khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của doanh nghiệp.
– Khoản thực chi để thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
– Khoản thực chi để hỗ trợ cho tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp.
– Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động bao gồm:
+ Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học.
+ Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp
– Các khoản chi khác mang tính chất đặc thù, phù hợp theo từng ngành nghề, lĩnh vực theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo điểm 2.30, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
Các bạn đang xem bài viết các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN 2021. Phần I Kế Toán Hà Nội đã trình bày các khoản chi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN năm 2021. Mời các bạn xem tiếp Phần II viết về các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN năm 2021 sau:
II. CÁC KHOẢN CHI PHÍ KHÔNG ĐƯỢC TRỪ KHI TÍNH THUẾ TNDN 2021:
Theo điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 có hiệu lực kể từ ngày 6/8/2015, sửa đổi bổ sung theo điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/03/2018 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018: Các khoản chi phí KHÔNG ĐƯỢC TRỪ khi tính thuế TNDN bao gồm:
2.1. CHI PHÍ KHẤU HAO TSCĐ KHÔNG ĐƯỢC TRỪ KHI:
2.1.1. Trích khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2.1.2. Trích khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
2.1.3. Trích khấu hao đối với tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định và hạch toán kế toán hiện hành.
2.1.4. Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Các trường hợp cụ thể như sau:
Theo quy định “Doanh nghiệp thực hiện thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện trích khấu hao (ví dụ: thông báo lựa chọn thực hiện phương pháp khấu hao đường thẳng…). Hàng năm doanh nghiệp trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định kể cả trường hợp khấu hao nhanh (nếu đáp ứng điều kiện).
Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được trích khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ đối với một số tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi”.
Như vậy:
⇒ Doanh nghiệp phải thông báo phương pháp trích khấu hao TSCĐ cho cơ quan thuế trước khi thực hiện trích khấu hao.
⇒ Nếu trích khấu hao nhanh hơn khung thì chi phí vượt khung đó sẽ bị loại ra khỏi chi phí được trừ của kỳ đó khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
⇒ Đối với cơ sở kinh doanh áp dụng khấu hao theo đường thẳng được khấu hao nhanh (Điều kiện là Cơ sở kinh doanh kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao; khi khấu hao nhanh cơ sở vẫn có lãi) để đổi mới công nghệ mà mức khấu hao nhanh vượt quá 2 lần mức khấu hao theo đường thẳng thì phần khấu hao vượt quá 2 lần sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN
2.1.5. Khấu hao đối với tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị.
2.1.6. Một số trường hợp cụ thể trích khấu hao được xác định như sau:
– Không được tính vào chi phí được trừ: Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô).
– Không được tính vào chi phí được trừ: Phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.
Lưu ý 1: Ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn là các ô tô được đăng ký tên doanh nghiệp mà doanh nghiệp này trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký một trong các ngành nghề: vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn và được cấp phép kinh doanh theo quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh vận tải, hành khách, du lịch, khách sạn.
Lưu ý 2: Tàu bay dân dụng và du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch là tàu bay dân dụng, du thuyền của các doanh nghiệp đăng ký và hạch toán trích khấu hao tài sản cố định nhưng trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp không đăng ký ngành nghề vận tải hàng hoá, vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.
– Không được tính vào ci phí được trừ: Khấu hao đối với giá trị quyền sử dụng đất lâu dài và giá trị công trình trên đất không sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định cụ thể như sau:
“Khấu hao đối với công trình trên đất vừa sử dụng cho sản xuất kinh doanh vừa sử dụng cho mục đích khác thì không được tính khấu hao vào chi phí được trừ đối với giá trị công trình trên đất tương ứng phần diện tích không sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp có công trình trên đất như trụ sở văn phòng, nhà xưởng, cửa hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo đúng mức trích khấu hao và thời gian sử dụng tài sản cố định quy định hiện hành của Bộ Tài chính đối với các công trình này nếu đáp ứng các điều kiện như sau:
+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên doanh nghiệp (trong trường hợp đất thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp) hoặc có hợp đồng thuê đất, mượn đất giữa doanh nghiệp với đơn vị, cá nhân có đất và đại diện doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hợp đồng (trong trường hợp đất đi thuê hoặc đi mượn).
+ Hóa đơn thanh toán khối lượng công trình xây dựng bàn giao kèm theo hợp đồng xây dựng công trình, thanh lý hợp đồng, quyết toán giá trị công trình xây dựng mang tên, địa chỉ và mã số thuế của doanh nghiệp.
+ Công trình trên đất được quản lý, theo dõi hạch toán theo quy định hiện hành về quản lý tài sản cố định”
Theo điểm 2.2, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.2. CHI PHÍ NGUYÊN VẬT LIỆU KHÔNG ĐƯỢC TRỪ KHI:
2.2.1. Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý, bị tổn thất hoặc bị hư hỏng nặng đã được các tổ chức, cá nhân bồi thường
Theo điểm 2.3, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.2.2. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
– Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Theo điểm 2.4, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.3. CÁC KHOẢN CHI LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG ĐƯỢC TRỪ
Chi phí tiền lương, tiền công, tiền thù lao, tiền thưởng, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ, trang phục, phụ cấp, chi có tính chất phúc lợi …KHÔNG được tính vào chi phí được trừ cụ thể như sau:
2.3.1. Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
Theo tiết a, điểm 2.6, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.3.2. Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ); Thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.
Theo tiết d, điểm 2.6, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.3.3. Tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng thực tế chưa chi cho đến thời điểm hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm (30/3) trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
“Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau”.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp A có số liệu như sau:
– Tiền lương năm 2017: 200 tỷ đồng
– Đến hết thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm 2017 (30/3/2018) Doanh nghiệp A mới thực chi 180 tỷ đồng.
Trường hợp 1: Doanh nghiệp A không trích lập quỹ dự phòng tiền lương ⇒ Chi phí tiền lương được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2017 là 180 tỷ đồng.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp A có trích lập dự phòng tiền lương với mức tối đa (17% x 180 tỷ đồng = 30,6 tỷ đồng) ⇒ Chi phí tiền lương được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2017 là 210,6 tỷ đồng (180 +30,6).
Ví dụ 2: Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2017, Công ty A có trích quỹ dự phòng tiền lương là 5 tỷ đồng, đến ngày 30/06/2018 (Công ty A áp dụng kỳ tính thuế theo năm dương lịch), Công ty A mới chi số tiền từ quỹ dự phòng tiền lương năm 2017 là 3 tỷ đồng thì Công ty A phải tính giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2018) là 2 tỷ đồng (5 tỷ – 3 tỷ). Khi lập hồ sơ quyết toán năm 2018 nếu Công ty A có nhu cầu trích lập thì tiếp tục trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo quy định.
Theo tiết c, điểm 2.6, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.3.5. Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
Theo tiết b, điểm 2.6, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.3.6. Các khoản chi có tính chất phúc lợi phục vụ trực tiếp người lao động (Hiếu, hỷ, nghỉ mát, hỗ trợ điều trị, hỗ trợ kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo, chi khen thưởng cho con người lao động, hỗ trợ gia đình người lao động, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác…) vượt quá 1 tháng lương bình quân thực hiện thực tế trong năm tính thuế.
Theo khoản 4, điều 3 thông tư 25/2018/TT-BTC.
2.3.7. Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ. Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
Theo điểm 2.7, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.3.8. Chi thưởng sáng kiến, cải tiến mà doanh nghiệp không có quy chế quy định cụ thể về việc chi thưởng sáng kiến, cải tiến, không có hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải tiến.
Theo điểm 2.8, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.3.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Theo điểm 2.9, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.3.10. Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người.
Theo khoản 3, điều 3 thông tư 25/2018/TT-BTC.
2.3.11. Khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động không theo đúng quy định hiện hành.
2.4. CHI PHÍ LÃI VAY KHÔNG ĐƯỢC TRỪ.
2.4.1. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay ⇒ không được tính vào chi phí được trừ.
Theo điểm 2.17, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.4.2. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh vay ⇒ không được tính vào chi phí được trừ.
Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
– Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
– Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:
+ Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.
+ Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.
Ví dụ: Doanh nghiệp A, trong năm 2017 chi ra 500 trđ để trả lãi vay.
Trong đó:
* 200 trđ dùng để trả lãi vay ngân hàng cho khoản vay tương ứng với phần vốn điều lệ chưa thu đủ với lãi suất 14%/năm
* 300 trđ dùng để trả lãi vay của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp với lãi suất 15%/năm, khoản vay này dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay là 9%/năm.
⇒ Doanh nghiệp A xác định chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
* Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ ⇒ không được tính vào chi phí được trừ.
* Lãi suất do NHNN VN công bố 9%/năm ⇒ Lãi suất Doanh nghiệp A được tính là 150%*9% = 13,5% ⇒ Tiền lãi Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ là (300trđ x 13,5%)/15% = 270 trđ.
⇒ Như vậy lãi vay doanh nghiệp A được tính vào chi phí được trừ là: 270 trđ.
Theo điểm 2.18, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.5. CÁC KHOẢN THUẾ KHÔNG ĐƯỢC TRỪ.
– Thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế
– Thuế GTGT đầu vào của TSCĐ là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt mức quy định được khấu trừ
– Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ trường hợp doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu nước ngoài mà theo thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp)
– Thuế thu nhập cá nhân (trừ trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế thu nhập cá nhân).
Theo điểm 2.37, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6. CÁC KHOẢN CHI KHÔNG ĐƯỢC TRỪ KHÁC
2.6.1. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế (Trừ một số khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế vẫn được trừ ở mục 1.12 trên).
2.6.2. Các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn, theo chu kỳ mà đến hết kỳ hạn, hết chu kỳ chưa chi hoặc chi không hết.
Theo điểm 2.20, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.3. Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính; Vi phạm luật giao thông; Vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh; Vi phạm chế độ kế toán thống kê; Vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.
Theo điểm 2.36, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.4. Chi tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ dưới đây:
– Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
– Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.
– Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.
Theo điểm 2.5, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.5. Chi đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên.
Theo điểm 2.13, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.6. Phần chi đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội (các Hiệp hội này được thành lập theo quy định của pháp luật) vượt quá mức quy định của Hiệp hội.
Theo điểm 2.14, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.7. Chi trả tiền điện, tiền nước đối với những hợp đồng điện nước do chủ sở hữu là hộ gia đình, cá nhân cho thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh ký trực tiếp với đơn vị cung cấp điện, nước không có đủ chứng từ thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Trường hợp doanh nghiệp thuê địa điểm sản xuất kinh doanh trực tiếp thanh toán tiền điện, nước cho nhà cung cấp điện, nước không có các hoá đơn thanh toán tiền điện, nước và hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh.
b) Trường hợp doanh nghiệp thuê địa điểm sản xuất kinh doanh thanh toán tiền điện, nước với chủ sở hữu cho thuê địa điểm sản xuất kinh doanh không có chứng từ thanh toán tiền điện, nước đối với người cho thuê địa điểm sản xuất kinh doanh phù hợp với số lượng điện, nước thực tế tiêu thụ và hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh.
Theo điểm 2.15, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.8. Phần chi phí thuê tài sản cố định vượt quá mức phân bổ theo số năm mà bên đi thuê trả tiền trước.
Ví dụ: Doanh nghiệp A thuê tài sản cố định trong 4 năm với số tiền thuê là: 400 triệu đồng và thanh toán một lần. Chi phí thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí hàng năm là 100 triệu đồng. Chi phí thuê tài sản cố định hàng năm vượt trên 100 triệu đồng thì phần vượt trên 100 triệu đồng không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế.
Theo điểm 2.16, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.9. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
Theo điểm 2.19, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.10. Chi về đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định.
Theo điểm 2.31, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.11. Chi ủng hộ địa phương; chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội; chi từ thiện (trừ các khoản chi ở mục 1.11 trên).
2.6.12. Các khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác; Các khoản chi đã được chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Chi phí mua thẻ hội viên sân gôn, chi phí chơi gôn.
Theo điểm 2.28, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
2.6.13. Lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư XDCB để hình thành nên TSCĐ (Giai đoạn trước SXKD).
Theo điểm 2.21, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC
2.6.14. Chi phí không hợp lý khác.
Trên đây Sàn kế toán đã trình bày các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN 2021. Sàn kế toán chúc các bạn thành công trong nghề kế toán của mình.
Podcast tình huống kế toán mới nhất
Dịch vụ kê khai thuế trọn gói chỉ từ 500.000đ tại Thuế Quang Huy, đảm bảo chính xác, tiết kiệm và tuân thủ pháp lý cho doanh nghiệp của bạn.
Đây là nội dung tại Công văn 99/TCT-CS ngày 08/01/2025 của Tổng cục Thuế về thuế giá trị gia tăng. Tại Công văn 99/TCT-CS, Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được công văn số 1222/CT-TTKT ngày 17/1/2024 của Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Về vấn đề này, Tổng cục Thuế căn cứ vào các quy định sau để hướng dẫn xử lý trường hợp đã hoàn thuế hàng xuất khẩu chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt:
Khi nào không phải nộp thuế sử dụng đất? Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 153/2011/TT-BTC, đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế bao gồm: 1. Đất sử dụng vào mục đích công cộng - Đất giao thông, thủy lợi bao gồm: Đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, đường sắt, đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, bao gồm cả đất nằm trong quy hoạch xây dựng cảng hàng không, sân bay nhưng chưa xây dựng do được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn phát triển được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đất xây dựng các hệ thống cấp nước (không bao gồm nhà máy sản xuất nước),...
1. Hàng hóa nguy hiểm là gì? Theo khoản 1 Điều 51 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, hàng hóa nguy hiểm được định nghĩa như sau: Điều 51. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển hàng hoá nguy hiểm 1. Hàng hóa nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất hoặc vật phẩm nguy hiểm khi chở trên đường bộ có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia Như vậy, hàng hóa nguy hiểm là những hàng hóa có chứa các chất hoặc vật phẩm nguy hiểm khi chở trên đường bộ gây nguy hại tới con người, môi trường, an ninh. Chất nguy hiểm là những chất hoặc hợp chất ở dạng khí, dạng lỏng hoặc dạng rắn có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. (Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 34/2024/NĐ-CP) 2. Phân loại hàng hóa nguy hiểm như thế nào?
Để tuyển dụng hoặc tìm việc hiệu quả . Vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN hoặc ĐĂNG KÝ TƯ VẤN để được hỗ trợ ngay !