Chọn công ty nhỏ đang có nhu cầu tuyển dụng để thực tập, nỗ lực thể hiện mình, chị Mai đã có công việc tốt ngay năm cuối đại học.
Sinh viên khóc cười trong kỳ thực tập
Thực tập là quãng thời gian dở khóc dở cười với nhiều sinh viên, nhưng Đỗ Thanh Mai, cựu sinh viên ngành Thương mại quốc tế của Đại học Thương mại, lại cho đó là tháng ngày hữu ích, giúp chị có công việc tốt ngay khi ra trường.
Tháng 1/2016, theo đúng lịch của nhà trường, chị Mai có một tháng thực tập. Thay vì tìm đến họ hàng nhờ giới thiệu, chị quyết định tự tìm việc. Dò trên fanpage và các trang tìm kiếm việc làm online, chị Mai nộp hồ sơ vào năm công ty xuất nhập khẩu - đúng với chuyên ngành đang học để ứng tuyển vị trí thực tập sinh. Ba trong số đó đã gọi chị đi phỏng vấn.
"Ngay từ khi tìm nơi thực tập, tôi đã định hướng kiếm chỗ mang lại nhiều cơ hội được làm việc lâu dài bởi thời điểm thực tập cũng sát với lúc ra trường. Cuối cùng, tôi chọn công ty tư nhân về logistics, chuyên làm dịch vụ liên quan đến thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp. Đây là công ty nhỏ, mới thành lập được gần 3 năm với quy mô chỉ 25 nhân viên", chị Mai kể lại.
Bốn ngày đầu trong kỳ thực tập, chị Mai không phải làm gì ngoài việc đọc kỹ thông tư, luật về thương mại quốc tế, thủ tục hải quan. Sau đó, chị được thực tập ở vị trí nhân viên chứng từ với công việc cụ thể là tiếp nhận chứng từ xuất nhập khẩu, nhập nó lên phần mềm khai hải quan và kiểm tra.
Đây là một bước để nhập và xuất khẩu hàng hóa mà chị Mai từng được nghe qua những bài giảng trong môn Nghiệp vụ hải quan ở trường. Thế nhưng, lý thuyết và thực tế khác xa nhau. Phần mềm mà chị được sử dụng khi làm việc cùng nhiều loại giấy tờ trong bộ chứng từ là những thứ chị chưa thấy bao giờ.
Dù có người hướng dẫn trong hai buổi, chị Mai đã phải loay hoay nhiều ngày, tìm hiểu, cố gắng mày mò từng chi tiết nhỏ nhất nhằm không để xảy ra sai sót. "Lúc ấy, tôi không nghĩ được gì nhiều ngoài việc phải cố gắng. Mục tiêu của tôi là trở thành nhân viên chính thức của công ty", chị Mai nói.
Sau một tháng thực tập, chị Mai được công ty ký hợp đồng thử việc hai tháng. Do kỳ hai năm cuối không phải lên giảng đường, chị Mai quyết định nhận công việc này. Kết thúc hai tháng thử việc, chị tiếp tục được ký hợp đồng làm nhân viên chính thức với mức lương khởi điểm là 4,2 triệu đồng. Ở thời điểm đó, số tiền này là lớn với một sinh viên chưa có bằng cấp, kinh nghiệm như chị. Nó đủ để chị chi trả sinh hoạt phí và không phải xin thêm bố mẹ.
Có lương, chị Mai càng có động lực để làm việc tốt hơn. Trong hai tháng cuối trước khi phải báo cáo khóa luận tốt nghiệp, chị vẫn đến công ty mỗi ngày, làm bạn với những bộ chứng từ. Tối đến, chị lại tập trung làm khóa luận. Dù không có nhiều thời gian nghiên cứu như các bạn trong lớp, đổi lại chị lấy chính số liệu, công việc thực tế của mình làm đề tài tốt nghiệp.
"Điểm khóa luận của tôi không cao bằng một số bạn tập trung vài tháng nghiên cứu, nhưng chắc chắn kinh nghiệm thực tế của tôi nhiều hơn", chị Mai khẳng định và cho rằng sinh viên không nên xem nhẹ kỳ thực tập để chạy theo khóa luận hòng kiếm điểm cao.
Ra trường, chị Mai tiếp tục tích lũy kinh nghiệm ở công ty mình đã thực tập với mức lương cao hơn. Gắn bó ở đó tròn một năm rưỡi, chị xin thôi việc để ứng tuyển vào một công ty khác do mục tiêu công việc thay đổi.
Nhờ những kinh nghiệm có được ở công ty cũ, chị Mai xin được vào làm ở một công ty chuyên nhập khẩu trang thiết bị y tế. Thay vì chỉ ngồi văn phòng làm chứng từ, chị đã được làm nhân viên nhập khẩu trực tiếp, được gặp gỡ nhiều đối tác nước ngoài và nhận một mức lương hậu hĩnh.
Cho rằng thành quả ngày hôm nay bắt nguồn từ chính một tháng thực tập của năm 2016, chị Mai khuyên sinh viên không nên bỏ lỡ cơ hội trong thời gian này. Sinh viên đừng quá ỷ lại vào sự giới thiệu của người quen vì khi đó nhận xét tốt nghiệp tự động tốt, nhưng thực tế không được hướng dẫn hay làm gì.
Nữ nhân viên sinh năm 1994 cũng khuyên sinh viên nên biết mình đang ở đâu, kiến thức và kỹ năng ở mức độ nào để lựa chọn công ty khởi điểm cho phù hợp thay vì kiếm một công ty lớn chỉ để giải quyết cái "oai". Chị cũng cho rằng sinh viên nên xác định mục tiêu ngay khi chưa đi thực tập, từ đó lựa chọn những công ty có nhu cầu tuyển người gắn bó lâu dài.
Sinh viên thực tập phải tận dụng cơ hội để học hỏi. Ảnh: Rvi |
Giống chị Mai, anh Trần Hữu Tuấn (sinh năm 1994) cũng đã có công việc tốt tại chính nơi mình thực tập trong một tháng hè vào năm ba đại học. Là sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), anh Tuấn xin thực tập ở vị trí lập trình viên của một bộ phận thuộc công ty chuyên về truyền thông, quảng cáo trực tuyến. "Những ngày đầu tiên làm việc trong môi trường chuyên nghiệp luôn là những ngày đáng nhớ", anh Tuấn nói.
Nhớ lại ngày đầu tới công ty, anh Tuấn thấy may mắn khi được người hướng dẫn nhiệt tình giúp đỡ. Với bài toán tối ưu tập khách hàng mục tiêu để tăng chất lượng quảng cáo trực tuyến, anh Tuấn được động ngay vào những đầu việc được coi là đơn giản nhất, mang tính chất nhập môn liên quan đến Bigdata. Sau đó, theo hướng tiếp cận mở rộng dần cho đến khi quen việc, anh được giao nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn.
Chỉ hết nửa thời gian thực tập, anh Tuấn đã được công ty cho ký hợp đồng bán thời gian và có lương. Dần dần, anh được giao tham gia một vài dự án khác. Một trong số đó liên quan đến dự đoán các yếu tố về nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi, sở thích của khách hàng trong mảng quảng cáo trực tuyến. Anh đã lấy dự án này làm đề tài tốt nghiệp và không cần phải nhờ sự trợ giúp của thầy cô.
Để nhận được sự tin tưởng của người hướng dẫn và công ty, anh Tuấn đã có thời gian làm việc không nghỉ, hôm nào cũng thức tới khuya để tìm hiểu bởi thực tế không người hướng dẫn nào dành cả ngày để giải thích cặn kẽ từng đầu việc cho sinh viên thực tập.
"Vì công việc cụ thể ở công ty rất khác những gì ở trường, tôi phải chủ động tìm hiểu về hệ thống, những công nghệ mới để xem nó vận hành ra sao. Chỗ nào khúc mắc, tôi đều cố tự mày mò. Khi thực sự không thể giải quyết, tôi sẽ nhờ người hướng dẫn hỗ trợ", anh Tuấn nói và cho rằng sinh viên thực tập cần tận dụng tốt cơ hội để thể hiện mình nhằm có việc ngay sau khi ra trường.
Làm việc ở công ty về quảng cáo hơn một năm, anh Tuấn xin nghỉ để thử sức ở môi trường mới. Anh tham gia một dự án startup với nhiều rủi ro nhưng cũng nhiều cơ hội. Chính thời gian thực tập đã giúp anh mạnh dạn và tự tin trước mọi quyết định.
Bà Đàm Thùy Dương, giám đốc nhân sự của một trường song ngữ tại Hà Nội, cho biết hàng năm trường vẫn nhận sinh viên thực tập từ Đại học Sư phạm Hà Nội hay Đại học Thủ đô theo chương trình liên kết. Số lượng tùy thuộc nhu cầu và khả năng sắp xếp của trường theo từng năm.
"Nhà trường rất tạo điều kiện để hỗ trợ các bạn được thực hành nghề trong thời gian thực tập và cũng có nhận những sinh viên thực tập xuất sắc về trường làm việc sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên số lượng không nhiều", bà Dương nói.
Cũng theo bà Dương, việc tuyển dụng căn cứ rất nhiều vào sự thể hiện của sinh viên trong kỳ thực tập. Những bạn được tuyển dụng sẽ được hỗ trợ đào tạo tại chỗ ở trường để đảm bảo sau một thời gian ngắn là có thể đứng lớp.
Sàn kế toán gửi đến các bạn danh sách các công ty thực sự có nhu cầu nhận thực tập kế toán.
Nguồn Vnexpress.net
Để tuyển dụng hoặc tìm việc hiệu quả . Vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN hoặc ĐĂNG KÝ TƯ VẤN để được hỗ trợ ngay !