Mẫu 03-ĐK-TCT: Tờ khai đăng ký thuế dùng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Loại file: .doc   |   Lượt xem: 2070   |   Lượt tải: 110    

Chia sẻ bài viết hữu ích

Chia sẻ thông tin hữu ích

1. Tờ khai đăng ký thuế dùng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là gì?

Tờ khai đăng ký thuế dùng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là mẫu dùng để đăng ký thuế với cơ quan có thẩm quyền sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây chính là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã đăng ký thuế.

2. Cách ghi mẫu 03-ĐK-TCT

1. Tên người nộp thuế: Ghi rõ ràng, đầy đủ bằng chữ in hoa tên hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trường hợp có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì phải ghi đúng theo tên hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

2. Mã số thuế: Ghi mã số thuế 10 của người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp đăng ký thuế cho địa điểm kinh doanh mới thành lập, hoặc mã số thuế đã được cấp của địa điểm kinh doanh trong trường hợp tái hoạt động địa điểm kinh doanh đã chấm dứt hoạt động.

3. Thông tin đại lý thuế: Ghi đầy đủ các thông tin của đại lý thuế trong trường hợp Đại lý thuế ký hợp đồng với người nộp thuế để thực hiện thủ tục đăng ký thuế thay cho người nộp thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

4. Địa chỉ kinh doanh:

4.1. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thường xuyên và địa điểm kinh doanh cố định; cá nhân cho thuê tài sản thì ghi rõ địa chỉ kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc địa chỉ nơi cá nhân cho thuê tài sản gồm: số nhà, đường phố /xóm /ấp/ thôn, phường/xã/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố. Nếu có số điện thoại, số Fax thì ghi rõ mã vùng - số điện thoại/số Fax. Trường hợp có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì phải ghi đúng theo địa chỉ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

4.2. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định thì ghi rõ địa chỉ nơi thường trú của người đại diện hộ kinh doanh hoặc địa chỉ hiện tại nếu người đại diện hộ kinh doanh không ở tại địa chỉ nơi thường trú.

5. Địa chỉ nhận thông báo thuế: Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có địa chỉ nhận các thông báo của cơ quan thuế khác với địa chỉ của trụ sở chính thì ghi rõ địa chỉ nhận thông báo thuế để cơ quan thuế liên hệ.

6. Thông tin về đại diện hộ kinh doanh: Ghi đầy đủ các thông tin của người đại diện của hộ kinh doanh cá nhân kinh doanh (Họ và tên, địa chỉ nơi thường trú, địa chỉ hiện tại). Nếu có số điện thoại, số Fax thì ghi rõ mã vùng - số điện thoại/số Fax.

7. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

- Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của Việt Nam và cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu: Ghi rõ số, ngày cấp và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có).

- Đối với hộ kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu: Ghi rõ số, ngày cấp Giấy chứng nhận ĐKKD. Riêng thông tin "cơ quan cấp” Giấy chứng nhận ĐKKD: ghi tên nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận ĐKKD (Lào, Campuchia, Trung Quốc).

8. Thông tin về giấy tờ của người đại diện hộ kinh doanh: Ghi rõ số, ngày cấp, cơ quan cấp 1 trong các giấy tờ của người đại diện hộ kinh doanh: chứng minh nhân dân; căn cước công dân; hộ chiếu; giấy tờ chứng thực khác do cơ quan có thẩm quyền cấp. Riêng thông tin “nơi cấp” chỉ ghi tỉnh, thành phố cấp.

9. Vốn kinh doanh: Ghi theo thông tin “vốn kinh doanh” trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không có thông tin về vốn kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì ghi theo vốn thực tế đang kinh doanh.

10. Ngành nghề kinh doanh chính: Ghi theo ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Người nộp thuế chỉ ghi 1 ngành nghề chính thực tế đang kinh doanh.

11. Ngày bắt đầu hoạt động: Ghi rõ ngày hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

12. Tình trạng đăng ký thuế:

Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lần đầu đăng ký thuế cho hoạt động kinh doanh hoặc địa điểm kinh doanh mới thành lập để cấp mã số thuế với cơ quan thuế thì đánh dấu X vào ô “Cấp mới”.

Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sau một thời gian không hoạt động kinh doanh đã chuyển mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh thành mã số thuế của cá nhân, hoạt động kinh doanh trở lại thì đánh dấu X vào ô “Tái hoạt động SXKD” và ghi mã số thuế đã được cơ quan thuế cấp vào ô “Mã số thuế” của tờ khai.

13. Thông tin về các đơn vị có liên quan: Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thêm các cửa hàng, cửa hiệu, kho hàng phụ thuộc thì đánh dấu X vào ô “Có cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc” đồng thời kê khai vào Bảng kê các cửa hàng, cửa hiệu, kho hàng phụ thuộc” mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01.

14. Phần người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ký, ghi rõ họ tên: Người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải ký, ghi rõ họ tên vào phần này.

15. Nhân viên đại lý thuế: Trường hợp đại lý thuế kê khai thay cho người nộp thuế thì kê khai vào thông tin này.

3. Thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh 2021

Bước 1: Nộp hồ sơ

Hộ, cá nhân kinh doanh nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

* Đối với hồ sơ bằng giấy

Công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận vào hồ sơ đăng ký thuế, ghi rõ ngày nhận hồ sơ, số lượng tài liệu theo bảng kê danh mục hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ đăng ký thuế nộp trực tiếp tại cơ quan thuế. Công chức thuế viết phiếu hẹn ngày trả kết quả đối với hồ sơ thuộc diện cơ quan thuế phải trả kết quả cho người nộp thuế, thời hạn xử lý hồ sơ đối với từng loại hồ sơ đã tiếp nhận. Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế gửi bằng đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu tiếp nhận, ghi ngày nhận hồ sơ vào hồ sơ và ghi số văn thư của cơ quan thuế.

Công chức thuế kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ cần phải giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu, cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

* Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử

Việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Bước 3: Trao kết quả

Cơ quan thuế cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế và Thông báo mã số thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

* Thời gian giải quyết: Cơ quan thuế thực hiện xử lý hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và trả kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký thuế và Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế chậm nhất không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận đủ hồ sơ của người nộp thuế.

Trên đây là thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh mới nhất theo Thông tư 105. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chỉ cần chuẩn bị hồ sơ và nộp cho Chi cục Thuế, Chi cục Thuế nơi đặt điểm kinh doanh và đợi kết quả.

Trên đây là Mẫu 03-ĐK-TCT: Tờ khai đăng ký thuế dùng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cùng Thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh 2021. Qua đó các bạn nắm được cách đăng ký kinh doanh sao cho đúng quy định của pháp luật.


Podcast tình huống kế toán mới nhất

Danh sách kế toán dịch vụ

Để tuyển dụng hoặc tìm việc hiệu quả . Vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN hoặc ĐĂNG KÝ TƯ VẤN để được hỗ trợ ngay !

XEM BẢNG GIÁ
Đăng ký tư vấn x