Theo quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Theo đó, hợp đồng thuê xe ô tô cũng là một dạng của Hợp đồng thuê tài sản. Do đó, Hợp đồng thuê xe ô tô cũng cần được lập thành văn bản với các nội dung: Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; Thông tin, chữ ký của các bên; Đặc điểm của chiếc xe ô tô; Quyền, nghĩa vụ của các bên; cam kết của các bên....
Sau đây là một số hướng dẫn để có được một bản Hợp đồng thuê xe 2019 đầy đủ tính pháp lý nhất:
1. Đối tượng giao kết hợp đồng:
Hợp đồng thuê xe ô tô về cơ bản là giống các loại hợp đồng thuê nhà khác. Chủ thể giao kết hợp đồng bao gồm bên cho thuê và bên thuê.
Về bên cho thuê: Có thể là cá nhân (chiếc xe ô tô có thể là tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của một cá nhân, …), tổ chức (công ty có chức năng kinh doanh xe, cho thuê xe ….).
+ Nếu là hai vợ chồng thì cần có đầy đủ chữ ký và thông tin về nhân thân như: Họ và tên, năm sinh, CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (có thông tin về số, ngày cấp, cơ quan cấp), địa chỉ hộ khẩu, địa chỉ liên lạc, số điện thoại ...
+ Nếu là của cá nhân thì cần có chữ ký của cá nhân đó kèm thông tin về nhân thân như trên của mình người đó
+ Nếu là tổ chức thì phải ghi rõ thông tin của pháp nhân đó trên Giấy đăng ký kinh doanh (Mã số kinh doanh, cơ quan cấp, ngày cấp đăng ký lần đầu, ngày thay đổi nội dung đăng ký, địa chỉ trụ sở, người đại diện...) kèm thông tin về người đại diện
- Bên thuê:
Tương tự như bên cho thuê. Tuy nhiên, bên thuê có thể chỉ là 1 cá nhân hoặc 1 công ty có chức năng kinh doanh xe. Do đó, chúng ta cũng cần nêu đầy đủ thông tin về nhân thân của cá nhân hoặc tổ chức với người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền.
2. Đặc điểm về chiếc xe ô tô
Đặc điểm của chiếc xe ô tô được nêu cụ thể trong Giấy đăng ký xe ô tô và chứng nhận kiểm định. Các nội dung của một chiếc xe ô tô bao gồm: Số khung, số máy, màu sơn, biển số, ngày cấp, …
Qua giấy tờ xe, người đi thuê cũng nắm được thông tin cơ bản về chủ sở hữu, sử dụng chiếc xe ô tô mình chuẩn bị thuê.
3. Thỏa thuận thuê xe
- Mục đích thuê xe: đa dạng và phong phú tùy vào nhu cầu của các bên. Trong đó, có một số mục đích cơ bản như: thuê xe tự lái, thuê xe để kinh doanh, thuê xe du lịch, thuê xe phục vụ mục đích đi lại….
- Giá cả: Giá cả bao gồm cả số và chữ, có thể bao gồm cả tiền xăng xe di chuyển, cầu đường, tiền thuê lái xe …. tùy vào thỏa thuận của các bên và tùy vào loại hợp đồng thuê.
- Phương thức thanh toán: Có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, có thể thanh toán ngay sau khi ký hợp đồng hoặc trả theo từng đợt…. tùy vào thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, trong Hợp đồng nên nêu rõ, cụ thể và chi tiết vấn đề này.
- Thời hạn thuê: Như đã nói ở trên, bởi mục đích thuê xe là rất đa dạng. Do đó, tùy vào mục đích khác nhau để thỏa thuận về thời hạn thuê khác nhau. Tuy nhiên, về thời hạn thuê nên ghi rõ từ ngày, tháng, năm nào đến ngày, tháng, năm nào. Ngoài ra, cũng nên nêu rõ thời gian giao xe cũng như trả xe (nếu có).
4. Cam kết của các bên
Phần này nêu quyền, nghĩa vụ của các bên, cam đoan về thông tin chiếc xe là đúng sự thật, về quyền sở hữu, sử dụng chiếc xe là thuộc về bên cho thuê….; Thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh xung đột…; Thỏa thuận về gia hạn hợp đồng….
Ngoài ra, phần cuối nên nêu hợp đồng được lập thành bao nhiêu bản, ghi rõ số và chữ. Mỗi bên nên giữ số lượng bản hợp đồng như nhau để tránh trường hợp sau này có tranh chấp thì còn có các giấy tờ chứng minh.
Podcast tình huống kế toán mới nhất